Hà Nam: Nỗ lực khôi phục và phát triển du lịch
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; góp phần khai thác, hỗ trợ và thúc đẩy các ngành công nghiệp, thương mại, y tế, khoa học, đào tạo, nông nghiệp chất lượng cao và các ngành sản xuất khác trong tỉnh.
Trong các tiêu chí cụ thể đến năm 2020 tổng số khách du lịch đạt khoảng 2,5 lượt triệu người/năm, trong đó có 190.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng/năm; năm 2025, tổng số du khách đạt tối thiểu 4 triệu lượt người/năm, trong đó có 490.000 lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng/năm.
Nhìn lại du lịch Hà Nam trong các năm từ 2020, 2021 đến 2022 có thể thấy dịch bệnh Covid-19 đã có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có du lịch. Năm 2020, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) đã xây dựng mục tiêu phấn đấu đón khoảng 3,1 triệu lượt khách (cao hơn so với mục tiêu trong quy hoạch) với doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng. Nhưng đây cũng là năm Việt Nam có ca bệnh Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng (tháng 01/2020), tuy chưa lan rộng nhưng để phòng, chống dịch bệnh nhiều hoạt động đã phải dừng tổ chức, trong đó có các hoạt động lễ hội. Vì ảnh hưởng dịch bệnh nên năm 2020, Hà Nam chỉ đón khoảng trên 1,7 triệu lượt khách với doanh thu du lịch ước đạt 1.006 tỷ đồng, bằng một nửa mục tiêu năm.
Năm 2021, các lễ hội không được tổ chức và một số hoạt động tạm dừng, nhưng các hoạt động du lịch trong tỉnh vẫn được diễn ra. Những ngày đầu quý I, du lịch Hà Nam tăng đột biến khi du khách tới tham quan Khu du lịch Tam Chúc tăng cao. Đặc biệt là vào những ngày nghỉ cuối tuần, Khu du lịch Tam Chúc đón hàng vạn du khách, đỉnh điểm có ngày đón trên 70.000 lượt du khách. Hoạt động du lịch ở Hà Nam chính thức “đóng băng” từ 18 giờ ngày 29/4/2021 khi Hà Nam phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân. Nhưng nhờ thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh, doanh thu du lịch năm 2021 ước đạt 1.614 tỷ đồng, tăng 60,4% so với năm 2020.
Tháng 3/2022, du lịch Việt Nam sau các giai đoạn mở cửa thí điểm có kết quả khả quan cùng với dự báo thị trường khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế có sự khởi sắc, từ ngày 15/3/2022, các địa phương trên toàn quốc được phép mở cửa lại hoạt động du lịch. Với nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, tổng khách du lịch đến Hà Nam năm 2022 đạt 3.154.000 lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 142.100 lượt người; khách nội địa đạt 3.011.400 lượt người. Doanh thu ước đạt 2.152,5 tỷ đồng (đạt 121% so kế hoạch năm 2022, đạt 131% so cùng kỳ năm 2021).
Nhìn vào thực tế du lịch Hà Nam, từ khi Khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc nằm trong Khu du lịch Tam Chúc mở cửa, du lịch Hà Nam ước đạt khoảng 3 triệu lượt khách du lịch/năm, trong đó khách quốc tế khoảng 140 – 150 nghìn lượt người/năm. Du lịch Hà Nam đã có sự khởi sắc so với những năm từ 2018 trở về trước, tuy nhiên khách du lịch đến Hà Nam chủ yếu là khách du lịch, tham quan các di tích lịch sử tín ngưỡng tôn giáo và công trình kiến trúc nghệ thuật. Khách du lịch đến Hà Nam cũng chỉ tập trung đông vào đầu năm và sau Tết Nguyên đán. Và du lịch nội địa vẫn là lượng khách chủ yếu của tỉnh, so sánh tổng số khách có thể thấy khách nội địa chiếm khoảng trên 95% tổng lượng khách đến Hà Nam, trong đó khách du lịch Hà Nam cũng chủ yếu đến từ các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng.
Doanh thu du lịch đến chủ yếu từ các hệ thống vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, chất lượng các dịch vụ cũng như hệ thống các cơ sở vui chơi giải trí ở Hà Nam chưa được quan tâm, đầu tư phát triển; các dịch vụ phụ trợ đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm trở thành thương hiệu, chưa khai thác tối đa nhu cầu của khách du lịch nên chưa thể làm tăng giá trị sản phẩm du lịch và hạn chế phát sinh giao dịch thương mại, dịch vụ. Đây là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu du lịch Hà Nam.
Với đặc điểm du lịch Hà Nam nêu trên và thực trạng du lịch Hà Nam hiện tại, ngành VHTTDL đã đề ra nhiều giải pháp phát triển du lịch. Tăng cường kêu gọi đầu tư vào các nhóm sản phẩm đã có như du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch làng nghề và du lịch thể thao (golf). Phối hợp, liên kết với các địa phương trong khu vực xây dựng các tour du lịch tâm linh giữa Chùa Hương (Hà Nội) - Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình) - Tam Chúc (Hà Nam) - Phủ Giầy (Nam Định) - đền Trần (Thái Bình). Trong tỉnh phát triển các tour như: Đền Lảnh Giang - chùa Long Đọi Sơn - đền Trần Thương - chùa Bà Đanh, Ngũ Động Sơn - Tam Chúc… Hiện, một số hình thức du lịch mới cũng được nhiều địa phương trong tỉnh phát triển, như: du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, phố đi bộ đang được diễn ra tại thành phố Phủ Lý và tới đây tại thị xã Duy Tiên, hy vọng được nhiều du khách quan tâm khi tới Hà Nam.
Đồng thời, tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho kinh doanh du lịch tại các khu, điểm du lịch của tỉnh; đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị các sản phẩm của làng nghề truyền thống đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao; đào tạo nhân lực du lịch... Song song với đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào du lịch Hà Nam, phấn đấu đạt các mục tiêu như Quy hoạch tổng thể du lịch Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Chu Bình - Báo Hà Nam điện tử - baohanam.com.vn - Đăng ngày 17/02/2023